Trong cuộc đời của mỗi Phật tử hay đơn giản là những con người hướng Phật luôn có một niềm khao khát sẽ được một lần được hành hương về xứ Phật. Ý tưởng hành hương này được xuất phát từ chính Đức Phật nói ra trong kinh Đại Bát Niết Bàn, vì thế một cuộc hành trình tâm linh đến Ấn Độ sẽ giúp các Phật tử đạt được tâm nguyện, mong muốn việc tu tập của mình trở nên được trọn vẹn hơn, như được trở về cội nguồn và được soi sáng bởi niềm tin từ Đức Phật.
Mỗi thánh địa mà Phật tử ghé qua sẽ giúp họ hiểu rõ hơn về lịch sự tôn giáo mà mình theo đuổi cũng như rời xa những bộn bề cuộc sống thường nhật, bỏ lại đằng sau những bon chen, ganh đua, ghen tị, đến với vùng đất bình yên mà Đức Phật đã từng trải nghiệm và từ đó chiêm nghiệm được những đạo lý nhân sinh rồi đúc kết nó thành một kho tang kiến thức đồ sộ cho nhân loại.
Đến với Ấn Độ, vùng đất tâm linh này sẽ giúp cho chúng ta có được những khoảng thời gian dành cho riêng mình, lắng nghe những tiếng nói trong lòng từ thuở ban sơ thiện lành nhưng đã bị áp lực cuộc sống làm biến đổi. Với trải nghiệm có một không hai này, chắc chắn tâm hồn của chúng ta sẽ vô cùng thanh tịnh, phẩm hạnh được trau dồi và phát triển.
Gợi ý những địa điểm tham quan, hành hương nên đi khi đến với Ấn Độ:
Lotus Temple: Đền Lotus nằm ở Kalkaji, phía nam thành phố Delhi và được xem là “Mẹ đền” của tiểu lục Ấn Độ. Hoa sen tại đây được thể hiện rất đa dạng, cánh sen được cách điệu làm mái vòm hành lang, làm hoa văn trên cửa,…ngôi đền này được xem là kỳ quan của sự sáng tạo trong kiến trúc.
Cổng Thành Ấn Độ (India Gate): Nằm ngay tại trung tâm New Delhi – cổng thành hình cung bằng đá cao 42m là nơi tưởng nhớ những ngươi lính hi sinh trong Thế chiến thứ nhất và chiến tranh Afghan.
Rajir (Vương Xá Thành): Là kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha) cổ xưa nhất Ấn Độ, địa điểm này thu hút du khách tham quan với vẻ đẹp nguy nga, trù phú song hiểm trở vì núi non bao quanh. Tại thành này, Đức Phật đã trải qua mùa an cư kiết hạ và ngài đã thuyết trình nhiều bài kinh, hàm chứa các nội dung nói đến chuyến đi vào cõi Niết Bàn.
Núi Linh Khứu: Nơi Phật diễn ra hội Tam thừa quy nhất.
Tịnh xá Trúc Lâm: Một khu tịnh xá rộng lớn gần thành Vương-Xá, trong khu vườn này có một hồ nhỏ, nước trong xanh, nghiêng mình soi bóng những hàng cây, được xem là hồ Kalandaka, nơi Ðức Phật thường tắm.
Hang Thất Diệp: Động Kỳ Xà Quật (Saptapami): Một động đá trên đỉnh núi dung chứa chỗ ngồi cho 500 vị A La Hán và là nơi được chọn để tổ chức cuộc kết tập kinh điển lần thứ nhất.
Mulagandha Kuti Vihar: là một tu viện – đền thờ hiện đại nằm giữa những khu vườn được xây dựng với kiến trúc Phật giáo nổi bật, tại đây du khách có thể chiêm ngưỡng những bức bích họa hấp dẫn trong khi lắng nghe âm thanh kinh tụng Phật giáo vang vọng.
Nalanda: Trường Đại học Phật Giáo đầu tiên được Unesco công nhận là di sản thế giới, được xây dựng ngay trên nền nhà tôn giả Xá Lợi Phật Sariputta – một vị thanh để tử trí tuệ đệ nhất trong mười đệ tử đặc trưng của Phật. Vào thời hưng thịnh, nơi đây có tới hơn 10000 sinh viên và 2000 giáo sư thuộc rất nhiều ngành học khác nhau, được sự hỗ trợ rất lớn từ các triều vua mộ đạo.
Bồ Đề Đạo Tràng (Đền Đại Gác): Là một trong bốn Thánh tích của Phật giáo. Đây là nơi Thái tử Tất Đạt Đa đã ngồi thiền định dưới cây Bồ đề, giác ngộ và chứng được đạo Chính đẳng chính giác. Bồ Đề Đạo Tràng được xây dựng vào khoảng 300 năm trước công nguyên, với diện tích 30,000 mét vuông, bao gồm nhiều Thánh tích Phật giáo quan trọng như Tháp Đại Giác, cây Bồ Đề, tòa Kim Cương, bảy địa điểm Đức Phật đã ngồi suy tưởng trong bảy tuần đầu sau khi thành đạo và quần thể các tòa tháp cổ.
Sông Hằng: Dòng sông được xem như là dòng sữa mẹ linh thiêng của các tôn giáo và người Ấn Độ với “The Ghát of Vasanasi”, đây là một trong những điểm hành hương không thể thiếu tại Vasanasi, nơi mà các tín đồ Ấn Độ giáo thường tập trung để cầu nguyện và thanh tẩy những ô uế trần tục.
Bảo tháp Chaukhandi: được xây dựng như một ngôi đền bậc thang trong thời kỳ Gupta giữa thế kỷ thứ 4 và thứ 6 để đánh dấu địa điểm gặp gỡ của Đức Phật và các đệ tử đầu tiên của Người trong hành trình từ Bồ Đề Đạo Tràng đến Sarnath.
Vườn Lộc Uyển Sarnath: Hay còn gọi là Phật tích Sanath tại Tịnh Xá Mulagandhakuti. Trên đường tham quan tháp Dhamek và Chaukhandi – nơi kỷ niệm Đức Phật gặp gỡ các để tử của mình lần đầu và thuyết pháp cho họ. Tại đây, viện bảo tàng Sarnath cũng nơi trưng bày khoảng 7000 cổ vật được khai quật tại Vườn Lộc Uyển có niên đại từ thế kỷ thứ 3 (Trước CN) tới thế kỷ thứ 12 (Sau CN).
Chùa Hoàng Gia Bhutan: Ngôi chùa được hoàng gia Bhutan xây dựng một cách công phu như một sự cúng dường và bày tỏ lòng tôn kính tới Đức Phật. Chùa được xây dựng trong một khuôn viên mát mẻ và thanh tịnh với kiến trúc rực rỡ mang đậm phong cách Phật giáo Kim Cương Thừa, kèm theo đó là những bức tranh tường nổi độc đáo mô tả về các sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật. Du khách còn có thể ghé thăm tượng Phật bằng đá cao 25m ở gần đó, là nơi mà các Phật tử luôn tới chiêm bái khi hành hương.
Chùa Trắng (Thái Lan): ngôi chùa với kiến trúc cổ đặc trưng của Phật giáo Nguyên Thủy Thái Lan, cả ngôi chùa toát lên một vẻ thanh tịnh với pho tượng Phật lớn và những bức tường trắng tinh khiết kèm theo mái ngói màu bạc. Những chiếc chuông gió treo quanh chùa càng tạo thêm không khí thanh tịnh mỗi khi du khách viếng thăm nơi này.
Chùa Mật Tergar (Phái Kagyu Tây Tạng): được bậc đạo sư danh tiếng Mingyur Rinpoche xây dựng năm 2007 để hỗ trợ các tăng ni Kim Cương Thừa sang hành hương và tu tập. Toàn bộ ngôi chùa được xây dựng với kiến trúc tiêu biểu của Phật Giáo Kim Cương Thừa cùng màu sắc rực rỡ và những họa tiết tinh xảo.
Đền Akshardham – Dù chỉ mới mở cửa từ cuối năm 2005 nhưng quần thể đền Ấn Độ giáo này đã trở thành một trong những thắng cảnh được viếng thăm nhiều nhất tại Delhi, ngôi đền được trang trí đẹp mắt với các bức tượng chạm khắc của các vị thần, động vật, thực vật … Ngôi đền được xây dựng bằng đá sa thạch Rajasthani (màu hồng) và đá cẩm thạch Carrara của Ý. Toàn bộ ngôi đền có 234 cây cột, 2000 bức tượng thần, chín mái vòm kèm theo 148 bức tượng voi có kích thước thật, nặng tổng cộng 3000 tấn. Toàn bộ các chi tiết được chạm trổ vô cùng tinh xảo, đúc kết từ hàng nghìn năm tinh hoa kiến trúc của Ấn Độ.
Đền Taj Mahal (đóng cửa vào thứ 6): Được xây dựng bởi nhà vua Mugha Shah dành cho người vợ của mình là hoàng hậu Mumtaj Mahal, công trình này được cho rằng đã phải mất tới 22 năm mới có thể hoàn thành và hơn 20,000 thợ làm việc liên tục.